Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thêm nhiều đối tượng được miễn học phí, nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2021.
Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Có 2 điểm nổi bật đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ bằng tiền cho người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ BHTN. Cụ thể, đối với NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên); NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Mức hỗ trợ từ 1.800.000 đến 3.300.000 đồng/người dựa trên cơ sở thời gian đóng BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ. Nguồn kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ BHTN đến hết năm 2020. Việc hỗ trợ NLĐ bắt đầu từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.
Thứ hai, giảm mức đóng vào Quỹ BHTN cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đối tượng áp dụng là NSDLĐ quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia BHTN trước ngày 01/10/2021. NSDLĐ được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN. Thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.
Bổ sung thêm nhiều đối tượng được miễn học phí
Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10.
Cụ thể, Nghị định bổ sung thêm nhiều đối tượng được miễn, giảm học phí như: người học chương trình trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; học sinh cấp hai ở thôn/bản đặc biệt khó khăn; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù…
Bên cạnh đó, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.
Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định cụ thể về lộ trình tăng học phí với tất cả các cấp học từ mầm non, phổ thông đại học…
Nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 15/10.
Nghị định được áp dụng với các đối tượng là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định này. Cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đáng chú ý, mức hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng mạnh. Cụ thể như sau:
Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ: Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (trước đây không quá 3 triệu đồng)
Đối với doanh nghiệp nhỏ: Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (trước đây giảm tối đa 30% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 05 triệu đồng một năm)
Đối với doanh nghiệp vừa: Hỗ trợ tối đa 30% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (trước đây giảm tối đa 10% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 10 triệu đồng một năm)
Nghị định cũng bổ sung thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp là doanh nghiệp xã hội: Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn (không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp) với doanh nghiệp siêu nhỏ; với doanh nghiệp nhỏ, mức hỗ trợ là 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp, với doanh nghiệp vừa, mức hỗ trợ là 30% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 200 triệu đồng/năm/doanh nghiệp./.
Tuyết Nhi
|