Bài viết: “XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THEO TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH” - tác giả Chu Thị Phương Ngọc, trích từ tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Thành ủy.
Hôm nay, chúng ta lại được ôn lại những truyền thống lịch sử của dân tộc, những thắng lợi vẻ vang của quân đội và nhân dân ta. Qua đó khơi dậy và giáo dục lòng yêu nước nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Và trong suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, với đường lối, mục tiêu chính trị đúng đắn, sự mềm dẻo, linh hoạt trong chỉ đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công việc tập hợp toàn dân vào các hình thức mặt trận, phát huy đến cao độ khả năng của dân trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ để bằng chính sức mạnh của dân tộc mình mà giành được thắng lợi giải phóng dân tộc. Đó chính là tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân là sự kế thừa và thấm nhuần truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc và những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.
Trước hết, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải là nền quốc phòng mang tính chất nhân dân, do toàn dân xây dựng nên. Tức là phải dựa vào dân “nhân dân là nền tảng,…”, mọi công dân đều có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khi có chiến tranh xảy ra thì thực hiện chiến tranh nhân dân: “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, tạo ra những “bức thành đồng” bảo vệ Tổ quốc. Đó là sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, là bí quyết chiến thắng kẻ thù của nhân dân ta. Trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân còn là sự hình thành, phát huy và sử dụng sức mạnh tổng hợp của quần chúng, xây dựng thế trận lòng dân. Người luôn quan tâm xây dựng quân đội ta là quân đội của nhân dân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Theo Người, phương thức duy nhất để xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh là phải dựa vào dân “nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội. Người cũng luôn nhất quán quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn dân theo tinh thần: “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” vì chỉ như vậy chúng ta mới tranh thủ hiệu quả được sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế. Chúng ta mới xây dựng được một nền quốc phòng toàn dân không bị lệ thuộc vào nước ngoài.
Thứ hai, trong tiến trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Người đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trong đó việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân là cốt yếu, là lực lượng chủ đạo quyết định thắng lợi của cách mạng. Xây dựng lực lượng vũ trang của ta gồm 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Kết hợp xây dựng lực lượng quân sự đi đôi với xây dựng lực lượng chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị. Đây là những hình thức tổ chức thích hợp nhất để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Mặt khác, trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chú trọng hướng tới xây dựng một nền quốc phòng hiện đại. Người xác định, khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển, các thế lực thù địch đã chế tạo và sản xuất nhiều loại vũ khí hiện đại, tối tân phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam; bởi vậy, “nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”, mục tiêu của công nghiệp hóa là nhằm “phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng”. Xây dựng nền quốc phòng hiện đại là xây dựng quân đội ta thành một đội quân chính quy, tinh nhuệ, có đủ các binh chủng hợp thành, có “quả đấm chủ lực mạnh”… Tuy nhiên, nền quốc phòng vững mạnh không thể thiếu một quân đội thường trực mạnh làm nòng cốt. Vì thế ngay từ khi mới giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng công tác đào tạo kỹ thuật cho các binh chủng trong quân đội ta, để khi có yêu cầu chiến đấu đặt ra, quân đội ta hoàn toàn chủ động tác chiến giành thắng lợi.
Cùng với xây dựng nền quốc phòng hiện đại, ChỦ tịch Hồ Chí Minh còn chủ trương phải gắn quốc phòng với an ninh. Người chỉ rõ: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là công an, để chống kẻ địch trong nước, bọn phá hoại”. Hai lực lượng này tuy có chức năng khác nhau nhưng cùng có chung một đối tượng là kẻ thù của dân tộc và giai cấp. Vì vậy, bất cứ nhiệm vụ nào của quốc phòng và an ninh đều có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai lĩnh vực nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng của Đảng, của dân tộc. Làm tốt công tác an ninh trật tự, giữ cho bên trong được bảo đảm an toàn về mọi mặt là tạo điều kiện vững chắc về quốc phòng; đồng thời, quốc phòng vững mạnh có tác dụng răn đe các thế lực xâm lược, chống đối, góp phần tích cực vào việc giữ vững, củng cố an ninh quốc gia.
Trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến nghệ thuật quân sự. Người đã học tập, vận dụng nghệ thuật quân sự của cha ông như “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy chất lượng cao thắng số lượng đông” và phát triển lên một tầm cao mới. Nghệ thuật ấy là sự tạo lực, lập thế, tranh thời, biết đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế, biết tập trung ưu thế và thời cơ quyết định để luôn luôn đánh địch trên thế mạnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đoàn kết thành một khối thống nhất, sức mạnh chiến đấu của toàn dân đã tạo nên một quyết tâm cao nhất của cả nước trong sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước mà ngay cả những cỗ máy quân sự hùng mạnh nhất, vũ khí được trang bị tối tân nhất, hàng ngũ tướng lĩnh được đào tạo bài bản...vẫn không thể thắng nổi một thế trận lòng dân đoàn kết của dân tộc ta, một nghệ thuật quân sự sâu sắc được chỉ đạo bởi tư tưởng quân sự thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày nay, đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp đổi mới trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, những thuận lợi và nguy cơ, thách thức đan xen. Các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm chống phá thành quả cách mạng. Thấm nhuần và vận dụng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, và theo tinh thần của Đại hội khóa XI của Đảng đã nêu, Đảng ta cũng rất coi trọng việc giáo dục ý thức quốc phòng cho các tầng lớp nhân dân, kêu gọi nhân dân đề cao cảnh giác, chống các âm mưu và thủ đoạn của địch trong chiến lược "diễn biến hòa bình". Cùng với chiến lược phát triển kinh tế, Đảng ta đề ra chiến lược về quốc phòng và an ninh quốc gia; kết hợp kinh tế với quốc phòng; kết hợp giữa xây dựng lực lượng vũ trang chính quy với các lực lượng tự vệ ở các địa phương, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Văn Cao (st)
|